Cũng giống như bông hồng vàng của người phu quét đường làm ra, là để cho Xuyzan được hạnh phúc, những quyển sách của chúng ta được viết bởi cách này hay cách khác, là để cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối, cho chúng ta rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt. Pautopxky đã mở đầu quyển sách với tựa đề Bông hồng vàng và bình minh mưa như thế. Có điều gì ẩn sau những lớp sóng ngôn từ mà Maiacopxki đã khẳng định:
Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Những chữ đó làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài
Sức mạnh ngôn ngữ đến từ đâu, nếu không phải là những trang sách mà các tác giả đã chưng cất từ những mẻ quặng cuộc đời và góp nên trang?
Tôi chợt nhớ đến con tàu Titanic huyền thoại, khi chìm vào đáy đại dương, nó để lại sau lưng những món nợ, những khoản tiền đầu tư, những khoản tiền bảo hiểm. Và ta chợt thấy rằng sẽ có một lúc – tiền bạc cũng chẳng mang lại cho con người cảm giác an toàn. Nhưng quan trọng hơn cả là hiệu lệnh của thuyền trưởng, vào thời khắc tàu chuẩn bị chìm giữa đại dương: “Hãy để phụ nữ và trẻ em lên trước!”. Khi hiệu lệnh đó vang lên, nhiều người đã rời xa thuyền cứu hộ, đứng lặng lẽ, chậm rãi dựa lên boong tàu. Dù là người nổi tiếng hay kẻ vô danh, những hành khách dũng cảm đã tuân theo lệnh của thuyền trưởng và họ để lại một di sản to lớn cho nhân loại – di sản của tình yêu và sự hi sinh. Và chúng ta biết đến di sản ấy từ đâu, nếu không phải từ sách?
Các bạn thân mến,
Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, rồi thắp trong nhà ta, sau đó đem truyền cho người khác, và cuối cùng trở thành tài sản của tất cả mọi người. Chỉ có những ai yêu quý sách mới thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của sách lớn đến chừng nào. Sách theo thời gian có thể cũ, nhưng lại có giá trị của những trang nhật ký cuộc đời, đó là kỷ niệm – để suy tư, nếu không có chúng, cuộc đời ta bỗng hóa ra buồn tênh, trống rỗng… Sách là nơi kết tinh những tư tưởng tiên tiến nhất của các thời đại, những hoài bão mạnh mẽ nhất, những tình cảm tha thiết nhất của con người. Chỉ có những gì mà con người cảm thấy cần sẻ chia, cần truyền lại, mới đi vào sách. Con người ngày nay vẫn không hề giảm sút hứng thú tìm lại những trang sách, đã có hàng mấy nghìn năm nay, từ những hình vẽ bí ẩn trên nền đất sét, những chữ cái từ lâu đã trở nên lạ lùng trên các tấm da cừu, những con chữ tượng hình trên các thẻ tre… Nhờ sách mà một người sống ở nơi hẻo lánh xa xôi, cũng có thể đọc được Những rặng đồi tựa đàn voi trắng, Cuốn theo chiều gió... quả thật nhờ có sách, các thế kỉ và dân tộc đã xích lại gần nhau hơn. Bạn biết không, cách đây một thời gian không lâu, khi Vương cung thánh đường Đức Maria ở thủ đô nước Pháp chìm trong biển lửa, thì quyển sách Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris của đại văn hào V. Huygô là quyển sách được tìm đọc nhiều nhất, bởi có một sự trùng hợp lạ thường như dự báo, khi ngay từ năm 1831 Huygô đã viết: “Mọi ánh mắt đều hướng lên đỉnh nhà thờ, chứng kiến cảnh tượng kinh ngạc. Trên đỉnh của phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cửa sổ hoa hồng trung tâm, có một ngọn lửa lớn dữ dội bốc lên giữa hai gác chuông”.
Sách – như một người Thầy âm thầm và nhẫn nại, giúp con người trưởng thành trong nhận thức, sâu sắc trong tư tưởng và đúng đắn trong hành động. Sách là một người thầy sẵn sàng cầm tay, mở ra trí óc và chạm đến trái tim, của bất kì ai biết khám phá giá trị của nó. Không có một người nào chạm đến thành công, hoặc trở nên vĩ đại mà không đọc sách bao giờ. Sách đưa đến cho người đọc những hiểu biết mới về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về những đất nước và những dân tộc xa xôi. Những quyển sách khoa học giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những qui luật của nó, hiểu được trái đất tròn mang trên mình hàng trăm quốc gia, với trăm ngàn phong tục tập quán khác nhau. Nhờ những quyển sách tâm lí mà ta hiểu rằng: cuộc đời không phải lúc nào cũng màu xám, chỉ vì quá bận tâm đến nỗi buồn, làm ta chối bỏ những ngày xanh.
Những trang sách của Brunô, Galilê về trái đất và thái dương hệ, đã mở ra cho nhân loại một thời kì mới trên con đường chinh phục tự nhiên và khám phá vũ trụ. Những quyển sách của Đacuyn không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ về các giống loài sinh vật, mà còn hiểu rõ hơn về chính con người. Sách của Sếcpia, Điđơrô, Môngtexkiư…thật sự đã giúp con người làm những cuộc cách mạng vĩ đại trong tư tưởng. Rồi khi đọc Bandắc, ta hiểu về thế giới tư bản với sức mạnh lạnh lùng của đồng tiền. Đọc thơ Tago, thơ Lí Bạch, thơ Đỗ Phủ, ta lại hiểu đời sống và tâm hồn của con người nhẹ nhàng thanh khiết biết bao nhiêu. Đối với các bạn trẻ, những tác phẩm kinh điển của thế giới như: Túp lều bác Tom, Những tấm lòng cao cả… dạy chúng ta biết sống yêu thương, nhân ái, đùm bọc sẻ chia. Hai vạn dặm dưới biển hay Những cuộc phiêu lưu của Tôm Xoay-ơ đã đưa chúng ta đến với những miền đất lạ, với bao hồi hộp khám phá và khát vọng thể hiện bản lĩnh vượt qua khó khăn. Quyển sách với tựa đề Nếu biết trăm năm là hữu hạn giúp ta cảm nhận tầm quan trọng của nơi mà ta cất tiếng gọi là nhà. Nhà – trong nỗi nhớ của tuổi thơ là nơi mình chạy quanh chân ba trong cái sân nhỏ rụng đầy lá, và được ngồi võng cùng mẹ đu đưa khi chưa đầy 3 tuổi. Nhà – với những bạn trẻ phải ở trọ, đó là một xóm nhỏ bình yên và thân mật, cách trường vài chục km, nơi gia đình mình đang quây quần bên bữa cơm tối, nơi mà một người đi ngoài đường có thể đứng lại và nhìn vào phòng khách nhà mình và hỏi: cuối tuần này con bé có về chơi không?
Vì trái tim có hình giống ngọn lửa, nên dù yêu thương con đến mấy, cha mẹ cũng cần phải biết một chút xíu tàn nhẫn, cần phải đẩy các con ra khỏi vòng tay ấm áp của mình, dằn lòng tập cho con quen với nghịch cảnh của cuộc sống, và cố giữ một ánh nhìn lạnh nhạt để con tự trải nghiệm với khó khăn. Chỉ nên đứng từ xa, dùng tình yêu thương của mình để thắp lên ngọn lửa nghị lực, giúp con trưởng thành với một trái tim quả cảm, nhiệt thành và mạnh mẽ. Như vậy, tàn nhẫn cũng là một cách yêu thương, một dạng thức yêu thương có trách nhiệm, nhằm mang lại cho gia đình một đứa con ngoan, và trao cho xã hội một công dân tốt. Đó là cẩm nang mà các bà mẹ Do Thái muốn chia sẻ cho tất cả các bà mẹ trên thế giới qua câu chuyện Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương.
Bạn biết không, một quyển sách hay không chỉ là cuốn sách giúp bạn nhìn thấy chính bản thân mình trong đó, mà còn là một cuốn sách giúp bạn trở nên tốt hơn. Chỉ cần là một hạt giống mạnh mẽ, bạn sẽ trở thành một cây cổ thụ. Bạn thực hành tính vị tha không phải để thánh thiện hơn, mà là để hạnh phúc hơn. Đó là thông điệp của quyển sách bán chạy nhất thế giới Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.
Đừng vì sự vội vàng mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi, bởi đó là một phần của bài học cuộc đời. Đợi tín hiệu đèn xanh rồi mới tiếp tục đi, vì biết rằng đó là luật pháp, và an toàn cho chính bạn và những người xung quanh. Tuy nhiên, trong cuộc sống, điều quan trọng không phải là sớm hay muộn mà là đúng thời điểm, Nhà giả kim sẽ là nơi bạn gặp rất nhiều triết lý mà không hề nhàm chán hay giáo điều. Quyển sách kể về một cuộc hành trình đi tìm kho báu của một chàng trai chăn cừu, bạn sẽ muốn đọc đến tận trang cuối, để cùng nhân vật đi kiếm tìm kho báu, đi theo tiếng gọi trái tim, cho đến lúc bạn gặp một lời nhắn nhủ thật gần gũi: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình!” và đừng bao giờ sợ hãi trước cánh cổng chênh vênh, vô định khi thực hiện ước mơ.
Bạn thân mến,
Nếu cuộc sống và công việc của chúng ta không có áp lực, mọi thứ có lẽ sẽ đỡ phiền toái hơn, nhẹ nhàng hơn; nhưng tôi chắc chắn một điều rằng: sẽ rất tẻ nhạt và không có gì xứng đáng để gọi tên là kỉ niệm, là xúc cảm, là vỗ về, là hạnh phúc. Và nếu cuộc sống của bạn thiếu thói quen đọc sách, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội tận hưởng niềm vui sau những lớp sóng ngôn từ, sẽ chẳng có thông điệp nào gửi đến bạn, và chạm vào trái tim bạn nếu bạn không cho mình một cơ hội được đọc sách. Vậy khi đối diện với sách chúng ta phải làm gì? Phải chăng là nghiêm nghị đến mức có thể trở nên dịu dàng, hiểu biết đến mức trở nên khiêm tốn, đam mê đến mức trở nên lí trí, và kỉ luật đến mức thấy mình tự do. Hãy đọc sách như vậy, chúng ta sẽ biến mọi áp lực thành niềm hi vọng.
Thưa quý vị và các bạn,
Bạn đang cầm trên tay quyển sách giá bao nhiêu, điều đó không quan trọng; nhưng điều quan trọng là cái giá bạn phải trả nếu không đọc sách. Hãy là những người đọc thông thái, hãy rèn luyện cho mình thói quen đọc sách và trân quý sách. Mong rằng ngày hội đọc sách hôm nay sẽ tiếp thêm lửa đam mê cho tất cả, và từ đây văn hóa đọc của chúng ta được khai sinh và trưởng thành.
Chúc bạn có những trải nghiệm thú vị khi đến với “sách”, mong rằng quý phụ huynh sẽ quan tâm hơn tới các con và tìm cho các con những quyển sách thật ý nghĩa – cuốn sách ảnh hưởng đến nhân cách của các con sau này.
MỸ PHƯƠNG
BTT GX